Địa lý Chiết_Giang

Mạc Can Sơn (莫干山) tại Đức Thanh, Hồ Châu, bắc bộ Chiết Giang.Đoạn phim về hiện tượng thủy triều nổi tiếng trên sông Tiền ĐườngTam Giang Khẩu tại Ninh Ba, nơi sông Phụng Hóa (奉化江) hợp với sông Diêu (姚江) tạo nên sông Dũng

Chiết Giang là tỉnh duyên hải đông nam Trung Quốc, ở phía nam của đồng bằng châu thổ Trường Giang, phía bắc liền kề với Thượng Hải và tỉnh Giang Tô, phía tây giáp với tỉnh An Huy và tỉnh Giang Tây, phía nam giáp với tỉnh Phúc Kiến, phía đông giáp với biển Hoa Đông. Đại bộ phận đường bờ biển của Chiết Giang khúc khuỷu, có nhiều vịnh biển và đảo. Diện tích đất liền của Chiết Giang chiếm 1,02% diện tích toàn quốc, là một trong các tỉnh có diện tích nhỏ nhất Trung Quốc. Địa hình của Chiết Giang phức tạp, có thuyết nói là "thất sơn nhất thủy lưỡng phần điền", trong thực tế đồi núi chiếm 70,4% tổng diện tích của Giang Tây, đồng bằng và bồn địa chiếm 23,2%. Đỉnh Hoàng Mao Tiêm (黄茅尖, 1929 m) tại Long Tuyền, Lệ Thủy là đỉnh cao nhất tại tỉnh Chiết Giang. Lưu vực sông lớn nhất chảy trên địa bàn tỉnh là sông Tiền Đường, song dòng chảy lại nhiều uốn khúc, nên còn gọi là Chi Giang [sông hình chữ chi (之)], ngoài ra sông Tiền Đường cũng được gọi là Chiết Giang và là nguồn gốc của tên tỉnh. Tỉnh lị Hàng Châu chỉ cách Thương Hải hơn 130 km đường cao tốc. Các phương tiện truyền thông thường ám chỉ thủy triều ở sông Tiền Đường giống người Chiết Giang có "tinh thần chiến đấu cùng với tất cả sức mạnh" (拼搏精神, bính bác tinh thần).

Đồng bằng tại Chiết Giang đa phần nằm ở hạ du các con sông lớn. Ở bắc bộ Chiết Giang là đồng bằng Hàng-Gia-Hồ, là một bộ phận của đồng bằng châu thổ Trường Giang với địa thế rất thấp, bằng phẳng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, có kênh Đại Vận Hà đi qua. Ngoài ra, tại vùng ven biển và ven sông trên địa bàn tỉnh có không ít các đồng bằng và bồn địa nhỏ, chủ yếu là có hình dạng dài và hẹp. Đồng bằng Ninh-Thiệu nằm ở duyên hải phía đông Chiết Giang, do phù sa của các sông Tiền Đường, sông Phổ Dương (浦陽江), sông Tào Nga (曹娥江) và sông Dũng (甬江) bồi đắp nên. Ở hạ du sông Linh (灵江) là đồng bằng Ôn-Hoàng, nằm trên địa phận các khu thị của Thai Châu. Ở phía hạ du sông Âu (瓯江) và sông Phi Vân (飞云江) là đồng bằng Ôn-Thụy, thuộc địa phận các khu thị của Ôn Châu. Ở tả ngạn hạ du sông Ngao (鳌江) thuộc huyện Bình Dương là đồng bằng Tiểu Nam, ở phía hữu ngạn thuộc huyện Thương Nam là đồng bằng Giang Nam. Các vùng đồng bằng này đều có đất đai phì nhiêu, sông sâu, sản lượng ngũ cốc dồi dào. Bồn địa Kim-Cù trải dài dọc theo sông Cù (衢江), sông Lan (兰江), sông Tân An (新安江), sông Kim Hoa (金华江) trên địa phận Kim Hoa và Cù Châu, là bồn địa lớn nhất tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra, tại Chiết Giang, còn có bồn địa Chư-Kỵ, bồn địa Tân-Thặng, bồn địa Thiên-Thaibồn địa Cổ Tùng.

Sông hồ

Trong nhiều năm, bình quân tổng lượng tài nguyên nước của tỉnh là 93,7 tỷ m³, xét trên một đơn vị diện tích thì xếp thứ 4 toàn quốc, song do tỉnh có mật độ dân số cao, bình quân tài nguyên nước chỉ là 2.008 m³/người, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, thấp nhất là bình quân tài nguyên nước trên người tại quần đảo Chu Sơn, với chỉ 600 m³/người.[20]

Hệ thống các sông tại tỉnh Chiết Giang có đặc điểm đại bộ phận là các sông ngắn, có lưu vực hẹp. diện tích sông và hồ chiếm 6,4% tổng diện tích của tỉnh. Do Chiết Giang có địa thế cao ở tây nam và thấp ở đông bắc, đa số các sông bắt nguồn từ tây bộ hoặc trung bộ, chảy theo hướng đông hoặc đông bắc rồi đổ vào biển Hoa Đông.

Sông dài nhất và có diện tích lưu vực lớn nhất tại Chiết Giang là sông Tiền Đường; dòng đầu nguồn chính là Tân An, bắt nguồn từ khu vực Huy Châu của tỉnh An Huy; dòng đầu nguồn phía nam là sông Lan, bắt nguồn từ huyện Khai Hóa. Hai dòng đầu nguồn này đến trấn Mai Thành của Kiến Đức thì hợp dòng rồi đổ vào vịnh Hàng Châu. Hệ thống chi lưu của sông Tiền Đường còn có sông Kim Hoa, sông Phân Thủy, sông Phổ Dương, sông Tào Nga. Hiện tượng thủy triều trên sông Tiền Đường là một cảnh quan trứ danh, cả thiên hạ biết đến. Ở bắc bộ Chiết Giang, sông Điều (苕溪) đổ nước vào Thái Hồ, là một bộ phận của lưu vực Trường Giang. Với 5 sông lớn đổ trực tiếp ra biển Hoa Đông là sông Âu, sông Linh, sông Dũng, sông Phi Vân và sông Ngao, chúng được gọi là "Chiết Giang thất đại thủy hệ". Sông Tào Nga trước đây được xem là một lưu vực sông độc lập đổ thẳng ra biển song hiện nay được xem là một chi lưu lớn cuối cùng của sông Tiền Đường, do đó đôi khi người ta đưa sông Tào Nga vào thất đại thủy hệ, trở thành Chiết Giang bát đại thủy hệ.[21]

Thái Hồ nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh Chiết Giang và Giang Tô, khu Ngô Hưng và huyện Trường Hưng của Hồ Châu nằm ở bờ nam của Thái Hồ. Ngoài Tây Hồ, trên địa phận Chiết Giang còn có Tây Hồ, hồ Đông Tiền (东钱湖) cùng trên 30 hồ có dung tích trên 1 triệu m³. Hồ Đông Tiền là hồ tự nhiên lớn nhất tại Ninh Ba, diện tích bề mặt là 19,89 km². Các hồ nổi tiếng là Tây Hồ của Hàng Châu, Nam Hồ tại Gia Hưng, Đông Hồ tại Thiệu Hưng. Hồ nhân tạo lớn nhất Chiết Giang là hồ Thiên Đảo (千岛湖), tức hồ chứa sông Tân An, diện tích mặt hồ là 573 km².

Biển đảo

Vị trí vịnh Hàng Châu và cầu vịnh Hàng Châu.

Bờ biển đại lục Chiết Giang khúc khuỷu, nước sâu, tổng chiều dài đường bờ biển (bao gồm cả bờ biển các hải đảo) là 6.646 km, đứng đầu cả mước. Vùng bờ biển Chiết Giang có nhiều vịnh lớn nhỏ, vùng biển của tỉnh là một bộ phận của biển Hoa Đông, trong đó diện tích vùng nước nội thủy là 30.900 km², diện tích lãnh hải là 11.500 km², bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải. Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của tỉnh Chiết Giang rộng hơn 260.000 km². Vịnh Hàng Châu là vịnh biển lớn nhất tỉnh Chiết Giang. Đường bờ biển đại lục của Chiết Giang bắt đầu từ Bình Hồ ở phía bắc đến huyện Thương Nam ở phía nam. Tổng chiều dài các đoạn bờ biển có thể xây dựng chỗ đậu cho tàu trên 10.000 tấn là 253 km, chiếm 1/3 của cả nước, còn các đoạn bờ biển có thể xây dựng chỗ đậu cho tàu trên 100.000 tấn là 105,8 km.[22]. Diện tích bãi triều ven biển 2.886 km².

Chiết Giang là tỉnh có nhiều đảo, đứng hàng đầu trong cả nước. Theo kết quả của cuộc điều tra tổng hợp tài nguyên hải đảo Trung Quốc tiến hành từ 1988-1995, tỉnh Chiết Giang có 3.061 hòn đảo với tổng diện tích đất liền là 500 km², trong đó có 2.886 đảo không có cư dân, tức chiếm khoảng hơn 40% số đảo của cả nước.[23]Đảo Chu Sơn với diện tích 503 km² thuộc quần đảo Chu Sơn là hòn đảo lớn nhất tỉnh Chiết Giang, là hòn đảo lớn thứ 4 tại Đại Trung Hoa (sau Đài Loan, Hải Nam và đảo Sùng Minh thuộc Thượng Hải). Đảo cực bắc của Chiết Giang là đảo Hoa Điểu (花鸟山), đảo cực nam là đảo Thất Tinh (七星岛). Ngày 3 tháng 12 năm 12007, tỉnh Chiết Giang đã tổ chức hội nghị liên tịch về quản lý các hải đảo không có cư dân lần thứ nhất, đẩy nhanh việc quản lý hiệu quả với các hòn đảo này.[24] Trong một thời gian dài, đã liên tục diễn ra các hoạt động khai hoang lấn biển tại Chiết Giang, thậm chí còn nối liền các vùng đất. Trong thế kỷ XXI, đã có một số công trình cải tạo đất được thi công, chẳng hạn như xây dựng cảng Dương Sơn, đường cao tốc Ninh Ba-Chu Sơn.

Khí hậu

Chiết Giang nằm ở vùng chuyển tiếp khí hậu giữa đại lục Âu-Á và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, có khí hậu cận nhiệt đới gió mùa điển hình, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5, mưa nhiều và khí hậu cũng biến đổi lớn; mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9, mưa kéo dài và nhiệt độ rất nóng, ẩm; mùa thu có khí hậu ấm áp và khô; mùa đông không kéo dài song nhiệt độ lạnh (nam bộ Ôn Châu có mùa đông ấm). Nhiệt độ trung bình năm là 15 °C-18 °C, nhiệt độ trung bình tháng 1 (tháng lạnh nhất) là 2 °C-8 °C và có thể xuống thấp đến -2,2 °C đến -17,4 °C, nhiệt độ trung bình tháng 7 (tháng nóng nhất) là 27 °C-30 °C và có thể lên cao đến 33 °C-43 °C.

Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Á, nên hướng gió và lượng mưa có sự thay đổi đáng kể giữa mùa hè và mùa đông. Lượng giáng thủy hàng năm là 980–2000 mm, số giờ nắng trung bình năm là 1.710-2.100 giờ. Vào đầu mùa hè có lượng mưa lớn, thường gọi là "Mai vũ quý tiết" (梅雨季节, mùa mưa gió mùa Đông Á), song tỉnh thường chịu ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới từ Thái Bình Dương vào cuối hè. Vào mùa hè, gió đông nam chiếm ưu thế, các vùng núi phía đông núi Quát Thương (括苍山), núi Nhạn Đãng (雁荡山) và núi Tứ Minh (四明山) có lượng mưa lớn, vùng hải đảo và khu vực trung bộ Chiết Giang có lượng mưa thấp hơn tương đối, nhiệt độ ở vùng bồn địa Kim-Cù tại trung bộ của tỉnh rất cao, các vùng xung quanh thấp hơn rõ rệt. Vào mùa đông, hướng gió lại chuyển thành hướng tây bắc, nhiệt độ cao dần từ bắc xuống nam.

Do nằm trên vùng chuyển tiếp giữa vùng có vĩ độ thấp và trung bình, nằm ở ven biển, kết hợp với việc có địa hình nhấp nhô lớn, lại phải chịu ảnh hưởng kép của gió mùa nhiệt đới và khối khí lạnh lục địa, Chiết Giang là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các cơn bão tại Trung Quốc.[25] Tuy nhiên, tấn suất các thảm họa tự nhiên diễn ra thì nhỏ hơn.

Khoáng sản

Vị trí các mỏ dầu khí (chấm đỏ) trên biển Hoa Đông nằm gần vùng biển tranh chấp

Chiết Giang là một tỉnh nhỏ về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là khoáng sản phi kim. Chiết Giang đứng đầu cả nước về trữ lượng than antraxit, anulit, pirofilit, đá tro núi lửa dùng để làm xi măng; đứng thứ hai cả nước về trữ lượng fluorit. Anulit tại huyện Thương Nam có trữ lượng rất phong phú, trữ lượng Kali alum (phèn chua) tại khu khai khoáng Phàn Sơn ở phía nam Thương Nam có trữ lượng chiếm tới 80% của cả nước, chiếm 60% trữ lượng toàn thế giới, được gọi là "thủ đô phèn thế giới".[26] Chiết Giang có trữ lượng đá vôi rất phong phú, đá vôi là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất xi măng, sản lượng xi măng của Chiết Giang chiếm 10% sản lượng toàn quốc. Tấn Văn tại Chiết Giang là khu vực sản xuất zeolit trọng yếu của Trung Quốc. Chiết Giang thiếu các tài nguyên than đá và sắt; than đá chủ yếu được khai thác ở mỏ than Trường Quảng ở tây bắc của huyện Trường Hưng, tức nơi giáp với tỉnh An Huy; ở huyện Thiệu Hưng có mỏ sắt Li Chử (漓渚), song sản lượng không lớn. Chiết Giang là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản hải dương, thềm lục địa tại biển Hoa Đông có triển vọng phát triển lĩnh vực khai thác dầu mỏkhí thiên nhiên; hiện đã xây dựng các dàn khoan tại mỏ dầu khí Xuân Hiểu (春晓油气田), Bình Hồ (平湖油气田), Thiên Ngoại Thiên (天外天油气田), tuy nhiên việc phát triển ngành dầu khí lại chịu ảnh hưởng từ việc tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Nhật Bản.[27][28]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiết_Giang http://219.235.129.54/cx/table/table.jsp http://jds.cass.cn/Article/20071215171724.asp http://www.china.com.cn/aboutchina/zhuanti/mtlddf/... http://www.china.com.cn/economic/zhuanti/2007figur... http://www.china.com.cn/policy/txt/2008-09/17/cont... http://news.cnnb.com.cn/system/2006/01/08/00506247... http://www.curb.com.cn/pageshow.asp?id_forum=01191... http://tech.enorth.com.cn/system/2005/12/29/001200... http://guide.hangzhou.com.cn/20070515/ca1313100.ht... http://finance1.jrj.com.cn/news/ng%C3%A0y